Vào tháng 2 năm 2025, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty đã trình Đạo luật Genius lên Thượng viện Mỹ để thiết lập một khung pháp lý cho các Stablecoin. Cho đến ngày 13 tháng 3, đạo luật này đã được Ủy ban Ngân hàng Thượng viện thông qua thành công với số phiếu là 18 – 6 tạo điều kiện cho sự hợp pháp hóa của stablecoin tại Mỹ tuy nhiên điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Tether và Circle. Vậy những quy định trong Đạo luật stablecoin Genius của Mỹ là gì và những ai được hưởng lợi, ai gặp khó khăn khi luật này có hiệu lực? Hãy cùng Bitreviews khám phá ngay!
Tại sao Mỹ lại thiết lập khung pháp lý cho Stablecoin?
Trong thị trường crypto và thế giới tài chính truyền thống thì stablecoin ngày càng trở nên phổ biến đặc biệt là chúng đang hoạt động trong “vùng xám pháp lý” tại Mỹ. Hiện tại, stablecoin sẽ cần tuân thủ chặt chẽ những quy định riêng ở các vùng tiểu bang, liên bang dựa trên cách phát hành và sử dụng. “Việc thiếu khung pháp lý rõ ràng khiến cho những người tiêu dùng dễ gặp rủi ro và doanh nghiệp không biết phải tuân thủ quy định nào. Điều này cần phải thay đổi” – Thượng nghị sĩ Tim Scott nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, stablecoin còn liên quan đến lợi ích kinh tế và vị thế toàn cầu của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent khẳng định chính quyền Trump sẽ tận dụng stablecoin để củng cố vị thế của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Chính vì vậy mà ngày 4/2/2025, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty đã trình Đạo luật Genius lên Thượng viện Mỹ. Đến ngày 13/3/2025 với sự ủng hộ của hai đảng thì Đạo luật này đã được thông qua. Theo Tim Scott – Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ thì đây là bước tiến quan trọng để bảo vệ người dùng giúp đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển stablecoin tại Mỹ.
Bên cạnh việc đưa ra định nghĩa về stablecoin thì Đạo luật cũng khẳng định rằng stablecoin không thuộc quyền kiểm soát của ngân hàng chính phủ hay luật chứng khoán. Cùng với đó, Đạo luật cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tương tác giữa các hệ thống thanh toán số, yêu cầu các cơ quan quản lý phát triển tiêu chuẩn về khả năng tương tác trên thị trường. Đồng thời tham vấn chuyên gia để nâng cao sự tương thích giữa các stablecoin. Nhờ có Đạo luật Genius, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ có thể ký kết thỏa thuận với các quốc gia có khung pháp lý tương đương thúc đẩy giao dịch xuyên biên giới.

Nguyên tắc cốt lõi trong Đạo luật stablecoin Genius của Mỹ
Đạo luật Genius đưa ra những quy định nghiêm ngặt, rõ ràng cho các tổ chức muốn phát hành stablecoin tại Mỹ, nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn cho người dùng.
Bảo chứng 1:1
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất với mỗi đồng stablecoin khi phải bảo chứng bằng tài sản dự trữ có tỷ lệ 1:1. Điều này được hiểu là khi một tổ chức phát hành 1 tỷ USD stablecoin, họ phải có đúng 1 tỷ USD tài sản dự trữ để hỗ trợ việc quy đổi. Tài sản dự trữ ở đây có thể là tiền mặt, tiền gửi tại ngân hàng được bảo hiểm, trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn, các hợp đồng mua lại (repos) và bán lại (reverse repos) có bảo chứng bằng trái phiếu kho bạc. Hoặc quỹ thị trường tiền tệ (money market funds) đầu tư vào các tài sản kể trên và tiền gửi tại ngân hàng trung ương. Quan trọng nhất là tổ chức phát hành không được tái sử dụng, tái thế chấp, tái đầu tư tài sản trừ một số trường hợp để quản lý thanh khoản.
Cơ chế giám sát và xử phạt
Những tổ chức phát hành stablecoin cần công khai cơ chế quy đổi, theo dõi và báo cáo số lượng stablecoin đang lưu hành và danh mục tài sản dự trữ định kỳ. Các báo cáo cần cập nhật hàng tháng trên website của tổ chức phát hành và cần được giám sát bởi một công ty kiểm soát độc lập. Trường hợp báo cáo sai sót hoặc gian lận thì lãnh đạo công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Với các tổ chức phát hành stablecoin tương tự như tổ
chức tài chính theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng Mỹ (Bank Secrecy Act) cần tuân thủ các quy định chống rửa tiền (AML) và xác minh danh tính khách hàng (KYC) để ngăn chặn hoạt động tài chính bất hợp pháp. Khi phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng thì tổ chức phát hành stablecoin sẽ cấm hoạt động. Yêu cầu “dừng hoạt động ngay lập tức” nếu phát hiện hành vi gian lận. Những cá nhân liên quan đến hành vi vi phạm sẽ bị dừng hoạt động trong lĩnh vực tài chính và phạt tiền lên đến 100,000 USD/ngày khi không khắc phục sai phạm.
Cấu trúc quản lý linh hoạt
Không chỉ vậy, Đạo luật này còn tạo ra hệ quản lý linh hoạt với 2 sự lựa chọn cho tổ chức phát hành stablecoin. Cụ thể là khi tổ chức có tổng lượng stablecoin lưu hành dưới 10 tỷ USD thì họ chỉ cần tuân thủ quy định của từng tiểu bang miễn là nó tương đương với tiêu chuẩn liên bang đồng thời báo cáo hàng năm lên Bộ tài chính Mỹ. Nếu lượng stablecoin lưu hành trên 10 tỷ USD, họ sẽ thuộc sự giám sát của Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ Mỹ (OCC) và phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn.
Bảo vệ quyền lợi người dùng
Dựa trên Đạo luật thì những tổ chức phát hành stablecoin không gộp tiền của khách hàng với tài sản của công ty trừ một số trường hợp đặc biệt tại ngân hàng bảo hiểm. Đặc biệt là khi tổ chức phát hành stablecoin bị phá sản thì những người sở hữu stablecoin sẽ được ưu tiên hoàn tiền trước tất cả các chủ nợ khác.
Thận trọng với stablecoin thuật toán
Stablecoin thuật toán còn được biết đến là một dạng stablecoin tự thế chấp gây nhiều tranh cãi. Theo Đạo luật Genius thì đây là loại tài sản số chỉ duy trì tỷ giá cố định dựa trên giá trị của một tài sản số khác do cùng một tổ chức phát hành. Thay vì áp đặt các quy định cụ thể thì Đạo luật yêu cầu Bộ Tài Chính Mỹ nghiên cứu toàn diện về loại tài sản này và hoàn thành việc báo cáo sau 1 năm khi luật có hiệu lực. Trong báo cáo cần phải phân tích kỹ về cơ chế hoạt động, hệ sinh thái và tiềm năng ứng dụng của stablecoin thuật toán.
Hơn nữa, Đạo luật đã đưa ra lệnh cấm tạm với việc phát hành stablecoin thuật toán đến khi nghiên cứu hoàn tất. Điều này thể hiện sự lo ngại với các stablecoin không có tài sản truyền thống làm bảo chứng nên có rất nhiều rủi ro phát sinh.

Sự ảnh hưởng của Đạo luật Genius đối với Crypto thế nào?
Tính tới ngày 23/3/2025 mức vốn hóa của USDT (Tether) và USDC (Circle) lần lượt ở mức 144 tỷ USD và 59 tỷ USD. Dựa theo Đạo luật Genius thì cả loại tiền điện tử này sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của liên bang. Cả 2 đồng tiền này cần tuân thủ quy định chặt chẽ về dự trữ đảm bảo mỗi stablecoin được phát hành cần phải được bảo chứng bằng tài sản an toàn gồm USD, trái phiếu chính phủ Mỹ và tín phiếu của Fed. Mặt khác, các tổ chức phát hành 2 loại tiền này cần phải công bố báo cáo tài chính mỗi tháng dưới sự giám sát của công ty kiểm toán độc lập. Nếu báo cáo sai lệch thì sẽ phải đối mặt các hành phạt nghiêm trọng.
Circle là đồng tiền được đánh giá cao về tính minh bạch nhờ khả năng tuân thủ các quy định trong khi đó Tether bị đặt nghi vấn nhiều lần về dự trữ tài sản và quá trình kiểm toán. Điều này sẽ khiến cho Tether gặp nhiều khó khăn nếu Đạo luật này có hiệu lực. Nếu không đáp ứng được các quy định đặt ra thì thị phần của Tether có thể rơi vào tay Circle hoặc phải chuyển hướng hoạt động tại những khu vực có khung pháp lý dễ thở hơn.
Theo quan điểm của Tonya Evans – Giáo sư luật tại Đại học bang Pennsylvania, nếu Tether muốn cạnh tranh tại Mỹ thì cần phải thiết lập một khung pháp lý chặt chẽ, minh bạch về quỹ dự trữ nhất là khi đối thủ như USDC của Circle luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt.

Đạo luật Genius gây ra nhiều tranh cãi
Thượng nghị sĩ Bill Hagerty khẳng định tầm quan trọng của Đạo luật Genius: “Thế giới đang đổi mới hệ thống thanh toán, Mỹ không thể đứng ngoài. Stablecoin sẽ là chìa khóa thúc đẩy quá trình này”. Mặc dù, Đạo luật này đã được thông qua cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ tuy nhiên còn khá xa để trở thành luật chính thức.
Bo Hines – Giám đốc Hội đồng Cố vấn Tài sản số của Tổng thống dự đoán rằng luật stablecoin sẽ được hoàn thiện trong 2 tháng tới phản ánh quyết tâm của chính phủ trong việc duy trì vị thế của đồng USD trong thị trường tài chính số.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với Đạo luật stablecoin Genius của Mỹ. Tổ chức Public Citizen lo ngại rằng về sự bất ổn tài chính và đe dọa quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể là nếu Đạo luật trở thành luật chính thức thì có thể xuất hiện nhiều vụ thao túng giá, stablecoin có thể bị sụp đổ và crypto sẽ bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp. Hay những ông lớn như Amazon, Walmart hay Meta có thể lấn sân sang lĩnh vực tài chính bởi Đạo luật còn nhiều lỗ hổng trong việc ngăn chặn các công ty phi tài chính phát hành stablecoin.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra những điểm chưa rõ ràng trong Đạo luật như định nghĩa stablecoin thanh toán có thể bỏ sót các stablecoin chạy trên blockchain riêng tạo ra “vùng xám pháp lý” – theo Amias Gerety (cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ). Ông cũng đưa ra vấn đề về việc bảo vệ người dùng khi tổ chức phát hành stablecoin phá sản.
Khi tranh cãi về Đạo luật Genius càng diễn ra căng thẳng hơn có những thông tin về mối quan hệ giữa gia đình Trump và Tether làm dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ trích rằng: “Với quá nhiều lỗ hổng thì việc thông qua Đạo luật này là điều cần xem xét đặc biệt khi có tin Trump đang tìm cách tạo stablecoin riêng. Ở một góc nhìn khác thì Jean Rausis – đồng sáng lập Smardex, cho rằng Đạo luật này là cách để chính phủ kiểm soát stablecoin hướng tới việc kiểm soát các giao dịch tài chính.

Mặc dù, Đạo luật stablecoin Genius của Mỹ đã được thông qua giúp thiết lập một khung pháp lý cho hệ thống thanh toán tuy nhiên nó quá nhiều lỗ hổng và gây nhiều tranh cãi trước khi trở thành luật hiện hành. Điều này có thể khiến người ban hành ra Đạo luật này có thể xem xét và điều chỉnh lại cho phù hợp.